Đặc trưng Megatherium

Hình minh họa Megatherium

Không giống như các họ hàng còn sinh tồn của mình (lười cây), Megatherium là một trong những loài thú to lớn nhất sống trên mặt đất, cân nặng tới 5 tấn, nặng tương tự như voi châu Phi. Mặc dù chủ yếu đi lại bằng bốn chân, nhưng các dấu chân của nó chỉ ra rằng nó có khả năng đi lại bằng hai chân. Khi nó đứng trên hai chân sau, nó cao khoảng gấp hai lần chiều cao của voi, hay cao khoảng 6 m (20 ft). Nhóm lười đất này, giống như các loài thú ăn kiến, đi lại bằng các mặt bên của bàn chân do các móng vuốt của chúng ngăn không cho chúng đi lại bằng gan bàn chân. Các loài Megatherium là thành viên của quần thú lớn thế Pleistocen, nhóm các động vật có vú với kích thước to lớn sinh sống trong thế Pleistocen.

Megatherium có bộ xương cường tráng với đai chậu lớn và chiếc đuôi nhiều cơ bắp rộng. Kích thước to lớn của nó cho phép nó kiếm thức ăn ở những độ cao mà những loài động vật ăn cỏ khác cùng thời với nó không thể vươn tới. Đứng trên hai chân sau rất khỏe và dùng đuôi để tạo thành thế kiềng ba chân, Megatherium có thể hỗ trợ khối lượng cơ thể nặng nề của nó trong khi dùng các móng vuốt cong của các chân trước khá dài để kéo cành với những chiếc lá ngon nhất. Người ta tin rằng nó có chiếc lưỡi dài để có thể dùng để lôi kéo lá vào miệng, tương tự như ở lười cây hiện đại.

Một số phân tích chức năng hình thái gần đây[1] chỉ ra rằng M. americanum đã thích nghi với việc cắn mạnh theo chiều dọc. Răng của chúng là kiểu hypsodont (răng có chóp răng cao và chân răng ngắn) và bilophodont (kiểu có hai chỏm nằm ngang), và đoạn hình mũi mác của mỗi chóp có dạng hình tam giác với các rìa sắc. Điều này gợi ý rằng răng của chúng được dùng để cắn xé chứ không phải để nghiền và rằng thức ăn dạng sợi cứng không phải là thành phần dinh dưỡng chủ yếu.

Bộ xương của Megatherium americanum tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp, Paris

Có một niềm tin sai lầm rằng hổ răng kiếm Smilodon săn bắt Megatherium, nhưng những con lười đất to lớn này là quá lớn để những con "mèo" lớn đó có thể tấn công. Richard Fariña và Ernesto Blanco từ Đại học de la RepúblicaMontevideo đã phân tích hóa thạch bộ xương của M. americanum và phát hiện ra rằng mấu khuỷu - phần của khuỷu chân mà cơ ba đầu gắn vào - là rất ngắn. Sự thích nghi này được tìm thấy ở động vật ăn thịt và tối ưu cho tốc độ chứ không phải sức mạnh. Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này có thể đã cho phép M. americanum sử dụng các móng vuốt của chúng như là các con dao găm[2]. Kết luận là do các môi trường sống nghèo thức ăn của chúng, Megatherium có thể đã chiếm đoạt cả con mồi của Smilodon. Một loạt các hóa thạch của Glyptodon trưởng thành tồn tại trong đó sinh vật này chết trên lưng của chúng. Điều này gợi ý rằng Megatherium tìm kiếm hay săn bắt loài động vật này, do không có con thú nào đã biết từng tồn tại ở Nam Mỹ trong thời kỳ đó có thể tung một con Glyptodon trưởng thành lên.